29/09/2020 13:39  
Sở hữu hàm lượng chất chống oxy hóa vượt trội cùng nhiều hoạt chất thực vật quý, những loại quả này đã được nhiều nghiên cứu chứng minh về khả năng chống ung thư.

Cà chua

Trong cà chua chứa nhiều thành phần như: vitamin A, C, E và lycopene, đây đều là những hợp chất có khả năng phòng chống ung thư.

Theo đó, lycopene có khả năng chống lại các gốc tự do và tế bào ung thư vì bản thân nó là một chất chống oxy hóa. Không chỉ vậy trong cà chua còn rất giàu vitamin C, loại vitamin đóng một vai trò quan trọng trong khả năng miễn dịch và có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bệnh nhân trong và sau khi điều trị ung thư.

Bởi vậy mà cà chua được biết đến là thực phẩm phòng chống ung thư tuyệt vời đối với các loại bệnh ung thư như: ung thư tuyến tụy, ung thư ruột kết, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.

Cam

Cam là một loại trái cây họ cam quýt phổ biến, được ưa chuộng vì vị ngọt, màu sắc rực rỡ và thành phần dinh dưỡng cao.

Các gốc tự do tấn công tế bào của chúng ta và có thể là nguyên nhân gây bệnh, kể cả bệnh tim và ung thư. Cam rất giàu vitamin C giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể bằng cách trung hòa các gốc tự do.

Bạn chỉ cần ăn một quả cam loại vừa cũng có thể đáp ứng thậm chí là vượt nhu cầu vitamin C hàng ngày. Nó cũng cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng khác như thiamine, folate và kali.

Chuối

Chuối có thể là một lựa chọn để bổ sung vào chế độ ăn uống tuyệt vời cho những người cần phục hồi sau điều trị ung thư.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, chuối giàu nguyên tố vi lượng kẽm có tác dụng phòng chống ung thư. Từ năm 1986 các bằng chứng khoa học đã khẳng định dịch chiết xuất từ chuối có tác dụng khống chế ung thư.

Ngay cả những người gặp vấn đề khó nuốt vẫn có thể lựa chọn loại quả này. Không những thế chuối cũng là một nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin B6, mangan và vitamin C.

Chưa dừng lại ở đó, chuối có chứa một loại chất xơ gọi là pectin, đặc biệt có lợi cho những người bị tiêu chảy do các phương pháp điều trị ung thư. Vì chuối rất giàu kali, nên chúng cũng giúp bổ sung chất điện giải bị mất do tiêu chảy hoặc nôn mửa.

Táo

So với các loại trái cây và rau quả khác, táo có nhiều chất chống oxy hóa đặc biệt là trên vỏ của chúng. Vì thế, táo được mệnh danh là siêu thực phẩm chống ung thư. 

Bên cạnh đó, táo rất giàu chất xơ, kali và vitamin C. Chúng đều có lợi cho việc hồi phục của bệnh nhân ung thư.

Một nghiên cứu gần đây của Ý còn cho thấy rằng, polyphenol của táo ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư vú trong phòng thí nghiệm.

Lựu

Lựu rất ngon, bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe. Chúng là một lựa chọn tuyệt vời cho bất kỳ chế độ ăn uống nào. Giống như các loại trái cây khác, lựu rất giàu vitamin C và chất xơ đồng thời cũng chứa rất nhiều vitamin K, folate và kali.

Chất chống oxy hóa trong lựu có tác dụng loại bỏ các gốc tự do, từ đó ức chế sự tăng trưởng tế bào ung thư. Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lựu giúp kích thích quá trình chết theo lập trình ở tế bào ung thư.

Xoài

Phân tích cho thấy, xoài chứa một loạt các vitamin và khoáng chất như: A, B1, B2, B6, C, E, biotin, caroten, pantotenic axit, niacin, folacin; canxi, sắt, photpho, kali, natri, đồng, magie, kẽm, selen. Đặc biệt, các chất dinh dưỡng như protein, lipit, gluxit và nhất là caroten đều vượt xa các loại quả khác. 

Xoài là một thực phẩm chống oxy hóa cao. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm tác dụng của xoài trên một số loại ung thư và thấy rằng, nó có công dụng trong việc ngăn chặn các tế bào ác tính. Lý do nằm ở các polyphenol, một loại hoạt chất thực vật. Bên cạnh đó, các công trình khoa học cũng chỉ ra rằng, xoài giảm nguy cơ ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư phổi, bệnh bạch cầu và ung thư tuyến tiền liệt.

Không chỉ vậy, chất mangiferin trong quả xoài có thể khống chế sự phát triển của các tế bào ung thư và ngăn chặn chu kỳ phân chia tế bào, có hiệu quả phòng ngừa bệnh ung thư phổi.

Dự phòng ung thư hiệu quả bằng chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh ung thư, ví dụ như: ung thư miệng, ung thư thanh quản, ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày và ung thư phổi.

Để có hiệu quả cao nhất, khẩu phần ăn hàng ngày nên có ít nhất 5 loại rau quả, trái cây khác nhau. Phối hợp ăn 3 loại trái cây và 2 loại rau; hoặc ăn 4 loại rau và 1 loại trái cây (tương đương với 400g/ngày).

Ngoài ra, hằng ngày, mỗi người nên ăn thường xuyên những thực phẩm có chứa chất xơ, thực phẩm có nguồn gốc từ sữa…, để phòng ngừa ung thư đại trực tràng. Đặc biệt, nên giảm lượng muối khi nấu ăn và hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, thay thế bằng các loại thịt gia cầm, thịt cá.

Đối với người đã mắc bệnh ung thư, vẫn cần đảm bảo nguyên tắc bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và cân đối trong bữa ăn hàng ngày. Một chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động thể lực.... sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khỏe để chống lại ung thư, chứ không phải là “cung cấp thêm chất đạm cho khối u” như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Việc nhịn ăn, kiêng khem phản khoa học sẽ khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng, teo cơ, suy giảm chức năng vận động, sức đề kháng; vết mổ chậm lành, dễ nhiễm trùng, thậm chí không đủ sức để được phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Từ đó, vừa suy giảm chất lượng sống người bệnh, vừa tăng chi phí điều trị, kéo dài thời gian nằm viện.

Minh Nhật

Tổng hợp

Nguồn tin: dantri.com.vn


bổ dưỡng   lập trình   phát triển   poly   thực phẩm