28/09/2020 8:09  
Ba thằng nhà quê ở Vạn Giã biết đến món ốc len xào dừa lần đầu tiên khi đi lấy hàng cho Hợp tác xã Vạn Phú 3, xã Vạn Phú. Hồi đó, Phú Khánh còn chưa tách thành Khánh Hòa và Phú Yên, Vạn Phú thuộc Khánh Hòa. Bị hớp hồn bởi cái món ăn vỉa hè này. Tuy rượu Cây Lý không lấy gì ngon bằng rượu ở quê, vì lạt nhách.

Nói đi cũng phải nói lại, chê gì chê, rượu Cây Lý nhất định có vai trò lịch sử của nó ở Sài Gòn. Nhiều người phải mượn tứ của nhà thơ Phạm Thành Tài được Anh Bằng phổ nhạc: Anh còn nợ em, Cây lý vỉa hè... Rượu Cây Lý chẳng khác nào Tự lực Văn đoàn một thời, nhưng nhanh chóng bị chồng lên những lớp sóng sau, ngon lành hơn, khai phá hơn, mặc dầu nhiều người cố phong thánh cho nó là kẻ khai sáng nền văn học Việt, là “nền tảng của văn học hiện đại Việt Nam” như đánh giá của giáo sư người Nhật Kawaguchi Kenichi. Làm như ngoài văn đoàn này, không có những nhà văn xuất sắc như Vũ Trọng Phụng không hề ở trong đó vậy...

Hồi đó, chỉ có đi xe lửa là sướng nhứt. Giá lại rẻ, mà chỉ cần con dấu của nơi đến đóng vào giấy công tác là được thanh toán công tác phí. Lại còn có thể lên ngay ga Giã và xuống ở ga Bình Triệu, đón xe buýt về Sài Gòn chỉ mất có vài đồng. Lúc đó mới đổi tiền, ông bạn kế toán trưởng có vợ làm Ngân hàng Nông nghiệp Vạn Ninh, lúc nào cũng có cả xấp giấy 10 đồng...

Đi xe đò phải bắt xe từ Vạn Giã vào Nha Trang. Phải cầm cái giấy công tác ra bến xe ngoại tỉnh của Nha Trang, ngày xưa gọi là bến xe Nguyễn Hoàng, mặc dầu tên đường đã đổi thành Lê Hồng Phong, xếp hàng dài ngoẵng hàng mấy tiếng đồng hồ mới mua được vé. Bến xe ấy một thời lắm chuyện hay. 

Tôi còn nhớ có anh mặc đồ bộ đội xếp hàng phía trước mình, bị hỏi giấy công tác (không có giấy công tác không bán vé), anh cúi xuống tháo cái chân giả đút vào ô cửa nhỏ của quầy vé và xẵng giọng: “Giấy công tác đây!”. Cô nhân biên bán vé sợ hết hồn, lật đật xé vé bán cho anh ta. Tôi cũng không biết anh ta là thương binh bên nào. Ai cũng có thể sắm một bộ đồ lính cũ sờn, để đi mua vé ra bán chợ đen. Còn một chuyện đáng nói nữa là lúc đó phụ nữ đi xe không sánh nổi với heo. Heo được nằm trên mui, nhưng phụ nữ cấm tiệt leo lên mui xếp đồ.

Lần đầu ăn ốc len, ba đứa gồm một thủ kho, một kế toán trưởng và tôi là “gai”, vì có biết chút đỉnh đường đi nước bước ở Sài Gòn, nhất là khu Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, vì nhà bạn gái ở khu đó, trong một con hẻm thông ra Phạm Ngũ Lão, gần chợ Thái Bình.

Con ốc len xào dừa ở vỉa hè khu Phạm Ngũ Lão chắc ngon là nhờ nước cốt dừa và thơm nặc mùi sả. Hồi đó cửa Việt Nam chưa mở rộng lắm. Tây ba lô không có mấy. Depot nhà ga Sài Gòn còn những người là người. Những người nghèo sống ở depot và buôn bán nhỏ trên vỉa hè bên kia đường Phạm Ngũ Lão. Chúng tôi quen ngồi ở góc ngã ba Phạm Ngũ Lão - Đỗ Quang Đẩu, bây giờ đã trở thành ngã tư và depot trở thành bến xe buýt một bên và công viên 23 tháng 9 một bên, đoạn nối Tôn Thất Tùng với Đỗ Quang Đẩu. 

Rồi còn phải kể đến cái thú hút ốc chùn chụt mà dân Mã Lai và Singapore vin vào đó để đặt tên cho con ốc len là “red chut-chut snail”: kê chỗ cái miệng con ốc hút một hoặc hai phát cho miếng thịt ốc chui tọt vào miệng cùng với nước cốt dừa sả ớt thấm đẫm. Thiệt thần tiên gì đâu! Món ốc vừa ngon vừa rẻ hấp dẫn làm quên nỗi rượu Cây Lý lạt phèo, so với rượu các lò ở quê tôi. Ở đó muốn uống rượu ngon thì người bán sẵn lòng pha thêm vào một ít rượu nhứt.

Vậy là trong thời gian chờ làm thủ tục nhận hàng và lên hàng, tối nào chúng tôi cũng ngồi nhâm nhi ốc len đưa cay bằng Cây Lý. Thỉnh thoảng xen thêm dĩa thịt chó của một ông người Bắc. Ở ngoài miền Trung cũng có thứ ốc chut-chut mà Singapore gọi “black chut-chut snail”. Chúng tôi quen gọi là ốc hút. 

Ốc hút luộc sả, chấm mắm gừng cũng ngon lắm. Nếu ốc len không có son phấn nước cốt dừa, sả và ớt, chưa chắc gì thịt săn và bùi bùi bằng ốc hút. Chỉ phải tội là nếu tính độ hút bằng sự “nhọn mỏ” thì con ốc hút độ nhọn cao hơn, vì nó nhỏ và hao hơi hơn nhiều. Gần đây con đường ốc Vĩnh Khánh, quận 4, TP.HCM có món ốc hút rang ớt, hút cũng đã lắm, môi cứ nóng bừng lên. Các bà, các cô ăn món này không cần thoa son môi cũng hồng phải biết.

Tôi cũng từng ăn ốc len xào dừa ở Nha Trang. Không phải là loại ốc như Sài Gòn, chắc là gần giống. Nếu đã ăn ốc len xào dừa ở miền Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng, sẽ nhận thấy ốc len xào dừa Nha Trang chỉ đáng “xách dép” cho ốc len xào dừa Sài Gòn. Nếu chỉ nghe đồn ốc len xào dừa Sài Gòn ngon lắm Sài Gòn ơi Sài Gòn ơi, sẽ “biết đủ là đủ” thấy ờ ốc len xào dừa (bản địa) ngon thiệt.

Sài Gòn là con khủng long ngốn ốc len, con ốc thường leo cây trong hệ sinh thái rừng ngập mặn. Tác giả cuốn sách tạm dịch: Sinh học và sinh thái các loài nhuyễn thể chân - bụng (1) ghi nhận nó có thể leo lên những cây cao đến 7m rồi buông mình cho rơi xuống bùn, chẳng làm sao cả. Phải mà loài ốc này trở thành “quan thầy” phù hộ những người té lầu không tự nguyện thì bi kịch bớt được mấy phần. 

Mấy chục năm Sài Gòn ngốn ốc len mà chúng vẫn còn, chỉ có điều mắc hơn nhiều. Dân ở rừng ngập mặn miền Tây nhiều nơi đã biết thả giống để nuôi. Dân bảo vệ rừng phòng hộ Cà Mau may mắn hơn, vì nguồn ốc tự nhiên bắt từ những thân cây mắm còn khá phong phú, chỉ cất công dưỡng.

Những người bạn hợp tác xã ngày xưa đã mỗi người mỗi nẻo, lâu lâu có dịp bù khú đều không quên được những dĩa ốc len những ngày lâu lắc khi người ta còn trẻ. Hồi đó, ăn rồi về khoe làng xóm, chẳng ai biết con ốc len là con ốc gì. Mà người khoe cũng chẳng biết nó là ốc nước ngọt hay nước mặn. Cho tới khi tôi ngồi làm tư liệu viết bài này. 

Mới hay người Mã cũng có món ốc len nước dừa lại còn có cà ri ớt. Cà Mau cũng xưng ốc len xào dừa là đặc sản xứ mình. Tôi đồ rằng ốc len xào dừa cà ri ớt của người Mã hương vị đa nguyên hơn của người Cà Mau. Ai bắt chước ai không chắc, vì đôi khi tư tưởng lớn gặp nhau do có cùng sản vật và hoàn cảnh. 

(1): Ramasamy Santhanam. PhD, Biology and Ecology of Edible Marine Gastropos Molluscs, NXB Apple Academic Press tr.106, Cerithidea obtusa.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Ngân hàng   Nông nghiệp