Trước đó, vào khoảng năm 2008, tại khu vực nương rẫy của đồng bào Raglai ở chân núi Tà Nin thuộc Vườn quốc gia Phước Bình xuất hiện một con bò tót đực hay “ve vãn” đám bò cái nhà của đồng bào. Kết quả có trên 20 bò tót lai F1 với thể hình vượt trội, sừng và màu lông rất giống bò tót “bố” đã ra đời.
Thấy đàn bò lai F1 quá lạ và đẹp, năm 2012, các “nhà khoa học” đã làm đề tài nghiên cứu nhằm duy trì nguồn gien quý hiếm. Đề tài do Sở KH-CN của hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận đồng thực hiện với kinh phí 1,9 tỉ đồng gồm việc mua lại 10 con bò lai trong tổng số hơn 20 con hiện có, đồng thời tiến hành tạo vùng khoanh nuôi phù hợp với môi trường sống của bò tót để nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà tại Vườn quốc gia Phước Bình.
Không rõ là kết quả nghiên cứu của đề tài như thế nào nhưng nó đã được bàn giao cho Trung tâm ứng dụng KH-CN Lâm Đồng tiếp quản để tiếp tục nâng đề tài thành cấp quốc gia với tổng kinh phí hơn 3 tỉ đồng, đến tháng 6.2019 thì kết thúc đề tài.
Theo ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm ứng dụng KH-CN Lâm Đồng, sau khi kết thúc đề tài, ông cũng đã làm tờ trình bàn giao cho Vườn quốc gia Phước Bình nhưng thủ tục chưa xong (?).
Sau khi tiến hành nghiên cứu trong 8 năm, đàn bò tót giờ trơ cả xương sườn! Nguyên nhân là… hết kinh phí. Được biết, trước đây đàn bò sinh sống trên diện tích 2 ha nhưng nay còn 500 m2 vì tiền thuê đất không trả nên dân lấy lại đất. Khi nhà báo hỏi Giám đốc Trung tâm KH-CN Lâm Đồng tại sao để đàn bò trơ xương như vậy, ông khẳng định: “Làm gì có chuyện bò gầy trơ xương? Mỗi con nặng 400 - 700 kg nên gân nó cuồn cuộn, nhìn vậy đó. Muốn biết ốm hay mập phải có chuyên gia!”.
Con bò tót chứ đâu phải con... kiến mà không phân biệt được béo hay gầy khi nhìn bằng mắt thường. Không muốn bình luận gì thêm về cái cách nói lấy được này của ông giám đốc, chỉ xin dẫn lại lời của dân Raglai - những người hiện đang nuôi những con bò lai F1 to béo nhưng không được trung tâm mua: “Bò thì gầy, chỉ có cán bộ là béo thôi”.
Khi “nghiên cứu khoa học” được trưng ra, làm tấm khiên để lý giải những chuyện khó tin như thế thì mọi cái đều có thể xảy ra, huống là chuyện nuôi bò béo thành bò gầy.
Còn bao nhiêu “công trình nghiên cứu” nữa được chi từ ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học của nhà nước ở các địa phương, bộ ngành mà sau khi kết thúc nghiên cứu rồi lại tan biến mất dạng như chưa từng nghiên cứu?