29/09/2020 16:14  
Bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra trong bối cảnh nhiều khủng khoảng nội tại, như thảm họa cháy rừng lịch sử ở Bờ Tây, làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng sau cái chết của người da màu George Floyd trong tay cảnh sát. Và tất nhiên phải kể đến dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn ra tại Mỹ, khiến hơn 200.000 người tử vong và hàng triệu người thất nghiệp.
Cựu phó tổng thống Biden, ứng viên trong những tháng gần đây dẫn đầu các kết quả khảo sát trước Tổng thống Trump, hy vọng có thể thuyết phục được cử tri Mỹ rằng họ cần một tổng thống mới trước khi có thể chấm dứt năm thảm họa.
Trong khi đó, Tổng thống Trump đặt mục tiêu đánh bại đối thủ trong cuộc đối đầu trực tiếp, từ đó tiếp tục nhiệm kỳ 4 năm ở Nhà Trắng.

Hình thức cuộc tranh luận

Cuộc tranh luận diễn ra từ 21 đến 22 giờ 30 tối 29.9 (giờ Mỹ), tức 8 đến 9 giờ 30 sáng 30.9 (giờ Việt Nam), tại Đại học Case Western Reserve ở thành phố Cleveland, bang Ohio. Theo các quy định nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan Covid-19, Tổng thống Trump và ông Biden không bắt tay nhau khi bước vào cuộc tranh luận đầu tiên, cũng như không bắt tay với người điều phối Chris Wallace của Đài Fox News, theo CNN dẫn lời ông Peter Eyre, cố vấn cao cấp của Ủy ban Tranh luận Tổng thống.
 
Một khi đã lên sân khấu, cả ba đều không đeo khẩu trang. Quy mô khán giả cũng bị giới hạn so với truyền thống, và bất kỳ ai tham gia sự kiện lần này đều được xét nghiệm Covid-19 cũng như tuân thủ các biện pháp an toàn.
Đồng chủ tịch ủy ban Frank Fahrenkopf cho hay trung bình có khoảng 900 người xuất hiện trong khán phòng của một cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống, tối đa 1.200, nhưng lần này số người bị giới hạn còn 60 – 70. Đệ nhất phu nhân Melania Trump và cố vấn tổng thống Ivanka Trump đều có mặt.
Theo sự sắp xếp, cả hai ứng viên đều đứng trên bục cách xa nhau, với Tổng thống Trump ở bên phải sân khấu nếu nhìn xuống khán giả, ông Biden ở bên trái và người điều phối ngồi vào chiếc bàn ở giữa. Họ không phát biểu khai mạc, và Tổng thống Trump sẽ nhận được câu hỏi đầu tiên, kế đến là đối thủ Biden
Thêm một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Covid-19 đối với cuộc tranh luận. Trong quá khứ, sau khi hai ứng viên hoàn tất sự thể hiện của mình trên sân khấu, những người ủng hộ và đại diện cho chiến dịch tranh cử sẽ đến nơi gọi là “phòng xoay” để gặp gỡ và thuyết phục báo giới nhằm giành lấy sự ủng hộ cho ứng viên lưỡng đảng. Tuy nhiên, năm nay “phòng xoay” đã bị hủy bỏ vì lo ngại dịch bệnh.

Tác động của cuộc tranh luận

Về cơ bản, chẳng có người thắng kẻ bại trong các cuộc tranh luận dạng này, nhưng trên thực tế, những gì diễn ra giữa hai ứng viên có thể giúp cử tri Mỹ phần nào hình dung về người mà họ muốn trở thành tổng thống trong 4 năm kế tiếp.
 
Các cuộc thăm dò ý kiến luôn nỗ lực tìm hiểu mức độ ảnh hưởng (nếu có) của những cuộc tranh luận đối với cử tri bằng cách kêu gọi và đề nghị họ chia sẻ cảm nghĩ của bản thân sau khi theo dõi năng lực hùng biện của hai ứng viên tổng thống.
Tuy nhiên, đến nay giới chuyên gia vẫn có ý kiến tranh cãi về việc liệu đối đầu như thế này có thực sự thay đổi hoặc chỉ khiến cử tri càng thêm kiên định hơn với sự lựa chọn ban đầu?
Theo kết quả khảo sát của hãng Gallup, bà Hillary Clinton, ứng viên đại diện Dân chủ tranh cử tổng thống vào năm 2016, đã “giành chiến thắng” trong cả 3 cuộc tranh luận trước đối thủ Cộng hòa là ông Trump.
Thế nhưng, dù bà Clinton nhận được sự ưa thích của công chúng Mỹ, ông Trump vẫn là người thắng cuộc sau cùng, trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Sẽ vẫn còn nhiều tranh cãi về hiệu quả của các cuộc tranh cử ở khoản giúp các ứng viên có thể tranh thủ lá phiếu của cử tri.Tuy nhiên, điều chắc chắn là sự đối đầu trực tiếp của hai ứng viên tổng thống sẽ tác động không ít thì nhiều đối với những cử tri vẫn còn băn khoăn về sự lựa chọn của mình, nhất là ở các bang chiến địa.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   Nhà Trắng   Trump   Tổng thống   Việt Nam   chuyên gia   khán giả   khán giả