Tối 24/9/2020, vở kịch Ghosts, (Hồn ma bóng quỷ) của Henrik Ibsen đã diễn ra trên sân khấu Nhà hát Lớn TP. HCM trong sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả.
Có thể nói đạo diễn Hoàng Trần Minh Đức đã rất bản lĩnh khi chọn Nhà hát Lớn Thành phố làm không gian biểu diễn một tác phẩm kinh điển, không dùng micro. Hiện nay, có thể nói ngoài sân khấu 5B biểu diễn không micro thì hiếm có sân khấu nào lựa chọn “cửa khó” này.
Đây là một vở kịch kinh điển với lời thoại nhiều, dung lượng cao với câu chuyện của gần như cả cuộc đời được tái hiện chỉ qua 24 giờ. Tuy vậy, khán giả đã tập trung được trong một thời gian dài gần 3 giờ đồng hồ.
Vở diễn cũng may mắn quy tụ được dàn diễn viên tên tuổi, giàu kinh nghiệm sân khấu như diễn viên Lê Phương (vai bà Alving) đạo diễn – diễn viên – nhà giáo Vũ Xuân Trang (vai mục sư Manders), đạo diễn - diễn viên Lê Hoàng Giang (vai Oswald Alving) đạo diễn – diễn viên – nhà giáo Thái Kim Tùng (vai Jacob Engstrand), diễn viên Huỳnh Ly (vai Regina Engstrand). Tuy nhiên, cái hay của Hoàng Trần Minh Đức là đã mang đến màu sắc mới và những bước thử thách thú vị cho cả ê-kíp.
Nếu như trước đó, hầu hết các diễn viên tham gia vở diễn đều chỉ tự tin mình mới chạm được đến chừng 80-85% nhân vật của Ibsen thì trong đêm diễn, tất cả các diễn viên đều đạt đến cái ngưỡng của điểm xuất thần.
Đây cũng là vở kịch đánh dấu sự trở lại của Lê Phương với sân khấu nghệ thuật. Tuy nhiên, cô đã làm khán giả hoàn toàn bất ngờ. Trên sân khấu không còn là diễn viên Lê Phương nữa mà hoàn toàn là quý bà Alving danh giá ở miền Tây Na-Uy. Đảm nhận một vai khó khi phải thoại liên tục và xuất hiện gần như xuyên suốt vở kịch, tuy vậy, Lê Phương đã cho thấy nội lực của một diễn viên đang vào độ chín. Không còn là một Lê Phương “lam lũ” với hình tượng người phụ nữ khóc cạn nước mắt, trước mắt khán giả giờ đã là một quý bà với phong thái, cốt cách sang trọng. Đó là người phụ nữ mạnh mẽ với nhiều ưu tư dồn nén nội tâm. Nhiều lúc Lê Phương đã làm khán giả lặng đi với những thổn thức tinh tế và cả sự bùng nổ từ tình yêu chôn giấu, từ tình mẹ vô vàn.
Ít ai biết, diễn viên Lê Phương đã giảm đến gần 30 cân cho vai diễn này. Sau thời gian sinh con, cân nặng của cô là 81kg và bây giờ là 55kg. Lê Phương cho biết “bà Alving” làm thay đổi con người cô và cũng đánh dấu sự thay đổi hình tượng của chính cô.
Là diễn viên gạo cội của Sân khấu Kịch Phú Nhuận với 20 năm tuổi nghề, diễn viên – đạo diễn – nhà giáo Vũ Xuân Trang đã ghi dấu trong lòng khán giả với những vai diễn như Tham Kim trong Làm đĩ, Chín Hiếc trong Bỉ Vỏ,Nghị Hách trong Giông Tố… Có thể nói những vai diễn được yêu thích nhất của Vũ Xuân Trang là những vai diễn bước ra từ văn học. Lần này cũng vậy, Vũ Xuân Trang cho thấy những vai diễn có bề dày, chiều sâu tâm lý sinh ra vốn để dành cho mình.
Khác với vai phản diện thường thấy, lần này Vũ Xuân Trang hoá thân thành mục sư Manders với tính cách mẫu mực nhưng lại có phần ngây thơ, thậm chí là hơi hèn nhát, ngại dư luận. Đây cũng là vai diễn khó vì làm sao để “mục sư” không đều đều một màu cũng như thể hiện được nhiều tiếng ngầm nội tâm từ sâu thẳm bên trong. Qua cách thể hiện của Vũ Xuân Trang, mục sư Manders đã trở nên “người” hơn, ông không chỉ là “một đứa trẻ to xác” như lời bà Alving mà còn là một người đàn ông với nhiều cung bậc rung động, cảm xúc khi đối mặt với những lao xao cuộc đời.
Vai diễn Oswald Alving trong vở Ghosts của Henrik Ibsen là một vai diễn đang đối mặt với “sự mục ruỗng từ bên trong”, không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần. Anh mắc bệnh và trở về ngôi nhà có mẹ, nơi mà anh được mẹ gửi đi xa từ năm lên bảy tuổi, để tránh phải tiếp xúc với bầu không khí ngột ngạt, sa đoạ từ cuộc sống của chính cha mình.
Bề ngoài yếu đuối, bệnh tật nhưng sâu thẳm bên trong tâm hồn Oswald là một chàng trai yêu đời, ham sống. Anh là một hoạ sĩ với niềm khát khao được sống, được làm việc, được ghi lại những vẻ đẹp của cuộc sống. Có thể nói bằng nét diễn vô tư, trong sáng của mình, Lê Hoàng Giang đã chạm được nét tính cách trẻ thơ, trong sáng trong tâm hồn chàng Oswald. Và anh cũng chạm được nỗi đau của nhân vật từ bên trong, động cựa, quẫy đạp. Có thể anh tìm được nhiều sự đồng cảm từ các bạn khán giả trẻ.
Thái Kim Tùng là người thế vai sau khi diễn viên vào vai Jacob Engstrand kẹt lịch nên không thể tiếp tục. Trong khi các diễn viên khác đã tập đến hơn 2 tháng thì anh chỉ được tập chừng 10 ngày. Dù vậy, Thái Kim Tùng đã làm cả ê-kíp thán phục vì anh vào vai rất nhanh. Jacob Engstrand nếu không phải Thái Kim Tùng thì cũng hiếm có người lột tả được một cách xúc động, nhiều màu sắc đến như vậy.
Ngoài những mảng, miếng tạo nên tiếng cười mang đến màu sắc sinh động cho vở, Thái Kim Tùng thể hiện được một cách sâu sắc phần nhân văn ẩn chứa trong tâm hồn người đàn ông tật nguyền Jacob Engstrand. Anh ta khắc khổ, anh ta “lưu manh” đấy, nhưng cái khiến người ta không thể quên anh chính là tình yêu thương lớn lao đối với cô con gái Regina. Những mệnh đề mà Ibsen đưa ra, Thái Kim Tùng đã thấm thía tự lúc nào. Có thể nói Ibsen là tác giả rất mực yêu thích của Thái Kim Tùng. Và anh đã làm nên một Jacob Engstrand đa diện. Thái Kim Tùng bước ra sân khấu, người ta khó mà rời mắt. Thái Kim Tùng rời đi, cái mà anh để lại cũng là một dư âm.
Diễn viên Huỳnh Ly cho biết cô thường vào vai khá chậm. Nói đúng hơn là cô cảm nhận được thử thách từ nhân vật khá chậm. Với vai Regina cũng vậy, ban đầu, Huỳnh Ly cho rằng vai đó như chị đạo diễn nói là giống với tính cách của mình, diễn “cũng đơn giản thôi”. Tuy nhiên, càng tiếp xúc với nhân vật, Huỳnh Ly càng nhận thấy mang đến một Regina bằng xương bằng thịt không phải là chuyện đùa. Nhân vật ấy có nhiều góc khuất bị che giấu và Huỳnh Ly đã lôi ra được phần “vô hình” ấy từ bên trong con người mình. Ly có cách diễn mộc mạc, quyết liệt, cương nghị và đầy nội lực.
Qua cách diễn xuất của Ly, người ta nhận ra Regina không chỉ là một cô hầu gái. Đó là một cô hầu gái với chiều sâu thân phận, ước mơ, hoài bão. Và cô hầu gái Regina của Ly đã bứt phá được sự giằng xé từ bên trong để khai sinh ra một Regina khác – người mà cô luôn muốn trở thành hoá ra lại luôn có thể chính là.
Ngoài khả năng diễn xuất của dfan diễn viên gạo cội, bộ ba nhạc viện Phạm Vũ Thiên Bảo – Lê Minh Hiền – Mai Thanh Sơn cũng chiêu đãi khán giả bằng màn ứng tấu độc đáo
Nếu nghệ sĩ Mai Thanh Sơn thi thoảng làm khán giả giật mình vì những cú gõ dồn đuổi khán giả chạm vào, trượt qua và bật lên từ chính cảm xúc của nhân vật thì cặp đôi violin, viola Phạm Vũ Thiên Bảo – Lê Minh Hiền khiến người xem không thể ngồi yên. Trong khi Lê Minh Hiền mãnh liệt, sôi nổi với những cảm xúc khó có thể kìm nén hơn nữa thì Phạm Vũ Thiên Bảo lại chìm vào nỗi khắc khoải từ tận những ngóc ngách sâu cùng nào đó. Cao trào là sự giằng xé, vặn xéo, bùng nổ với bản “Les Furies” của Ysaye sonate n.2 cho violin solo.
Để thể hiện bản nhạc khó nhằn này, ngón tay của nghệ sĩ violin, viola – Giám đốc âm nhạc Phạm Vũ Thiên Bảo đã phải bấm một ngón cho cùng một lúc mấy dây. Và anh đã gần như thay thế được vai trò của hình ảnh khi tái hiện cảnh cháy tan hoang, rã rời, cùng tận trong vở kịch.
Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn
cuộc sống khán giả chinh phục diễn viên