29/09/2020 20:35  
Việt Nam là điểm sáng mà các quốc gia, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đánh giá cao. Hiện có hơn 126 tập đoàn lớn đang chuyển dịch và muốn đầu tư vào Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cho biết như vậy tại cuộc tọa đàm giữa các Trưởng đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2020 - 2023 với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) và các tập đoàn, tổng công ty thành viên, diễn ra hôm nay (29/9).

Theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Việt Nam hiện đã ký được 13 Hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán để tiếp tục ký thêm 3 Hiệp định. “Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều Hiệp định thương mại tự do trong khu vực và liên khu vực” - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.

Đề cập tới dịch Covid-19, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết giới phân tích đánh giá đại dịch này gây khủng hoảng đối với kinh tế thế giới có thể nói là lớn nhất từ năm 1933 đến nay. Trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới đang sụt giảm thì kinh tế Việt Nam lại được ghi nhận có những tín hiệu tích cực.

“Việt Nam đang là điểm sáng mà các quốc gia, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đánh giá cao, thu hút các chuỗi chuyển dịch toàn cầu chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Qua rà soát từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiện có hơn 126 tập đoàn lớn đang chuyển dịch và muốn đầu tư vào Việt Nam” - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn thông tin.

Bộ Ngoại giao xác định 94 cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài là cánh tay nối dài của đất nước, của các doanh nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy ngoại giao kinh tế. Trưởng cơ quan đại diện cần nắm được thông tin... Buổi toạ đàm là cần thiết để lắng nghe các đơn “đặt hàng” của các doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi đầu tư kinh doanh tại nước ngoài...

Về phía UBQLVNN tại doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho biết cơ quan này hiện đang quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty. Trong đó UBQLVNN nắm 100% vốn tại 12 tập đoàn, tổng công ty. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn và cần các giải pháp để tháo gỡ, hỗ trợ.

Ngày 31/3/2020, UBQLVNN đã có quyết định 153/QĐ- UBQLV, ban hành chương trình công tác năm 2020 của UBQLVNN. Mục tiêu của chương trình là tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ, thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2020, giữ vững vai trò là các “đầu tàu” kinh tế, là một công cụ quan trọng để điều tiết, dẫn dắt các thành phần khác trong nền kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế...

Tại đây, Chủ tịch UBQLVNN kiến nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện tại nước ngoài hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng tham gia quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc UBQLVNN.

“Kiến nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện tại nước ngoài hỗ trợ UBQLVNN trong công tác tổ chức đoàn ra/đoàn vào các nước; kết nối quan hệ giữa UB với các cơ quan, tổ chức đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sở tại để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm” - ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay.

Tại cuộc làm việc, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã có những trao đổi về tình hình thực tại và kiến nghị hỗ trợ trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, ngành hàng không được coi là cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại, tăng cường giao thương giữa Việt Nam và các nước.

Ông Lê Hồng Hà - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - kiến nghị Đại sứ và Tổng lãnh sự làm việc với cơ quan chức năng các nước để xây dựng “hành lang xanh” trong việc thiết lập và tổ chức lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ tới 7 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được Thủ tướng chấp thuận, trong đó thống nhất 1 chính sách chung giữa hàng không Việt Nam với nước sở tại. 

“Kiến nghị Đại sứ và Tổng lãnh sự ở các nước phát động thị trường, thu hút đầu tư vào Việt Nam và quảng bá du lịch Việt Nam, để khi có điều kiện cho phép thì các hãng hàng không có thể triển khai các chuyến bay thương mại” - ông Lê Hồng Hà nói.

Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cũng nhấn mạnh slot bay (giờ cất/hạ cánh-PV) là “tài sản” rất quan trọng đối với các hãng hàng không, vì vậy kiến nghị các Đại sứ và Tổng lãnh sự ở các nước làm việc với cơ quan chức năng sở tại nhằm giữ lại slot bay mà hãng hàng không đã phải hủy khi dừng khai thác vì dịch Covid-19.   

Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: dantri.com.vn


doanh nghiệp   lãnh đạo   Airlines   Covid   Covid-19   Mục tiêu   Thủ tướng   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   du lịch   hành vi   hợp tác   khủng hoảng   kiến nghị   lãnh đạo   lãnh đạo   phát triển   sản xuất   đầu tư