02/10/2020 14:53  
Content_lblContentHtml">

Các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện khởi sắc hơn và hy vọng từ tháng 10 sẽ tăng trưởng cao hơn nữa để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cuối năm, theo nhận định mới nhất của Bộ Công Thương.

Với nội dung của bản báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại chín tháng đầu năm, Bộ Công Thương hy vọng đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế sẽ trở lại sau đại dịch kéo dài suốt hai phần ba quãng thời gian của năm nay.

Bộ này cho biết Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 tăng 2,3% so với tháng 8 và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành khai khoáng giảm và giảm 5,7% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, ngành sản xuất và phân phối điện cũng tăng 5,5% so với cùng kỳ.

Tình hình sản xuất công nghiệp tháng 9 được ghi nhận là có sự khởi sắc và đang dần khôi phục nhưng vẫn còn chậm do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ. Theo sự dự báo của Bộ, từ tháng 10 này trở đi, nếu đà kiểm soát dịch bệnh được duy trì như hiện tại, sản xuất sẽ tăng trưởng cao hơn để chuẩn bị cho các tháng cuối năm khi thị trường tiêu thụ bước vào mùa cao điểm.

Cũng theo bộ, một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất trong tháng 9 vừa qua đã tăng so với tháng 8, như sản xuất dệt tăng 2%; sản xuất trang phục tăng 13,7%...

Tuy nhiên, tỷ lệ tồn kho của toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng đạt 75,6% (cùng kỳ năm trước là 72,1%) và tỷ lệ này ở một số ngành rất cao. Chẳng hạn, ngành dệt tồn kho đến 119,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa là 108,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 104%; sản xuất chế biến thực phẩm 96,5% và sản xuất xe có động cơ là 91,9%.
Đáng kể nhất trong số này là kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chủ lực là dệt may giảm 10,3% so với cùng kỳ, kim ngạch trong chín tháng ước đạt 22,0 6 tỉ đô la.

Dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với các ngành du lịch, hàng không và da giày. Tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 775 tỉ đô la. Do Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ước tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2020 đạt 600 – 640 tỉ đô la, giảm 15-20% so với 2019, thậm chí có thể giảm tới 25%.

Theo thông lệ hằng năm, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Trên thực tế, các mặt hàng truyền thống và là thế mạnh của nhiều doanh nghiệp may Việt Nam là veston, sơ mi cao cấp hầu như chưa có đơn hàng cho qúi cuối năm.

Trong bối cảnh khó khăn như nêu trên, Bộ Công Thương đã tích cực làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan, đồng thời làm việc với Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may, các đơn vị tư vấn, chuyển giao công nghệ, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng, các đơn vị phân phối để tạo điều kiện, khuyến khích, kết nối các doanh nghiệp chuyển đổi từ dệt may quần áo, sang dệt may khẩu trang vải.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng giọt bắn - kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải thông thường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phòng chống dịch trong nước, bình ổn thị trường, đồng thời Bộ Công Thương đã giới thiệu, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang vải, tạo công ăn việc làm cho lao động dệt may, giảm bớt khó khăn trong giai đoạn thiếu đơn hàng xuất khẩu quần áo.

Mặt hàng da giày cũng có hoàn cảnh tương tự dệt may. Tính chung trong chín tháng năm nay đã giảm 3,8% giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Cũng giống như ngành dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại trong chín tháng đầu năm ước đạt 12,08 tỉ đô la, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Từ nay đến cuối năm, dự báo đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và châu Âu. Động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành chính là Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực. Để có thể tận dụng cơ hội từ Hiệp định này nhằm gia tăng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã lên phương án như tái cơ cấu bộ máy, sẵn sàng hạ tầng nhà xưởng, nguyên liệu nhằm đáp ứng theo các cam kết của Hiệp định, đồng thời tăng cường đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   Hiệp hội   Việt Nam   doanh nghiệp   du lịch   sản xuất   thực phẩm   đầu tư