Lấy công làm lời
18 năm nay, chị Sa (ngụ H.Giồng Trôm, Bến Tre) vẫn đều đặn chèo chiếc xuồng ba lá đi dọc theo các con rạch để tìm dừa nước đúng chuẩn cho thương lái đã đặt trước đó.
"Cứ chiều hôm nay thương lái đặt bao nhiêu buồng thì sáng hôm sau tôi bắt đầu đi kiếm. Từ sáng sớm cho đến trưa tôi chặt cao tay được khoảng 30 đến 40 buồng cho các mối lái", chị Sa chia sẻ.
Sinh ra từ một làng quê cách TP.Bến Tre hơn 20km, chị Sa không nhớ lý do vì sao mình lại bén duyên với nghề này trong chừng đó năm dài. Chị nói giờ cuộc mưu sinh của mình có phần dễ dàng hơn trước khi có nhiều mối lái tìm đến tận nơi thu mua.
"Nếu mùa mưa thì tôi dễ tìm dừa nước hơn mùa nắng. Tuy nhiên vào tháng 2 - 3 hằng năm dừa nước rất khó tìm. Vào những tháng như vậy, mỗi ngày tôi chỉ tìm được từ 10 đến 15 buồng, có ngày tôi còn không tìm được buồng nào", chị nói.
Chuẩn bị một con dao thật bén cùng sức khỏe dẻo dai rồi đi xuồng tìm dừa nước, chị Sa tích lũy không ít kinh nghiệm qua ngày tháng mưu sinh ròng rã. Chị cứ nhắm buồng nào sậm màu, cúi xuống là tách thử một quả. Buồng nào có cơm dừa mềm dẻo là đạt chuẩn để chặt mang về bán.
Cứ một buồng như vậy chị kiếm được 6.000 đồng. Một ngày chị có thể kiếm từ 60.000 đồng đến 240.000 đồng tùy thuộc vào mùa nắng hay mưa. "Nghề này tuy cực nhọc nhưng không phải xa quê đi kiếm sống. Buồng nào còn non tôi để lại để lứa sau còn có cái mà bán cho người ta", chị tâm sự.
Cùng tuổi nghề với chị Sa, chị Dung từng là thương lái chở dừa xiêm lên TP.HCM bán bằng thuyền. Làm mãi không thấy khá vì cạnh tranh không lại bạn hàng nên chị chuyển sang nghề thu mua dừa nước từ người dân trong vùng.
"Tôi thu mua với giá 6.000 đồng/buồng từ dưới quê. Khi mang lên TP.HCM bán ra 15.000 đồng/buồng. Đó là chưa trừ chi phí xăng dầu, tiền nhờ người ta thử dừa nước có đạt chuẩn khi thu mua, tiền công thợ vận chuyển tới TP.HCM", chị Dung nói.
Khách hàng của chị Dung không chỉ ở TP.HCM mà còn tận Bình Dương, Tây Ninh. "Nghề này tuy lời ít nhưng ổn định hơn trước rất nhiều. Tôi xem như cứ lấy công làm lời để đắp đổi qua ngày vậy mà vui", chị chia sẻ.
Món quà trong ký ức của người miền quê
Nếu như lá dừa nước dùng để lợp nhà, hoa dừa nước để lấy mật hoặc trang trí trong các đám cưới ở miền Tây thì trái dừa nước là món quà quê khiến bao thế hệ mê mẩn.
Buồng dừa nước khi chặt về sẽ mang đi đập thật mạnh vào gốc dừa. Từng trái nhỏ trong buồng dừa to văng ra. Dùng một con dao thật bén chặt từng trái ra làm đôi, sau đó dùng muỗng tách từng miếng cơm dừa trắng ngà bên trong rồi bắt đầu "chế biến" món ăn tùy thích.
Tác dụng đầu tiên của trái dừa nước phải kể đến là giải nhiệt. Sử dụng trực tiếp dừa nước cùng đường, đá như một loại cocktail thì hết sức mát lạnh. Ai khéo tay có thể mang dừa nước đi nấu chè để đãi khách quý đường xa.
Có điều cần lưu ý, dừa nước rất mát nên chỉ sử dụng một lượng vừa đủ, nếu dùng nhiều sẽ bị đầy bụng. Món này nên tránh ăn vào những buổi chiều vì khá lâu tiêu.
Giờ trái dừa nước đã "bôn ba" khắp nơi nên người xa xứ đi lập nghiệp phần nào vơi đi nỗi nhớ quê nhà. chỉ cần ghé ngang sạp hàng dừa nước để mua một ít mang về là coi như sắp được tận hưởng món quà từ tuổi thơ mà lại giúp được nhiều người ở quê rộng mở trên bước đường mưu sinh.