Đó cũng là lý do vì sao việc học hỏi từ sai lầm của những người đi trước trên con đường làm giàu đóng lại vai trò hết sức quan trọng. Dưới đây là 8 sai lầm về tiền bạc thường thấy mà bạn nhất định phải tránh, đã được các triệu phú tự thân, doanh nhân thành viên của The Oracles chia sẻ.
Barbara Corcoran: Chi 71.000 USD cho một chiến dịch marketing tồi tệ
Tôi vốn luôn cho rằng, tiền bạc là thứ để chi tiêu, nên thật sự tôi không giỏi tiết kiệm cho lắm. Thế nhưng, tôi đã từng ước bản thân không chi khoản lợi nhuận lớn đầu tiên của Tập đoàn Corcoran cho một chiến dịch marketing thất bại. Khi đó, tôi đã đưa tất cả danh sách bất động sản cũng như các đại lý phân phối tương ứng vào một cuốn băng video.
Song, điều mà tôi không thể ngờ tới là không một đại lý nào muốn gửi đến các khách hàng một cuốn băng video mà trong đó họ xuất hiện cùng với các đối thủ cạnh tranh của mình cả. Vì quá tự tin vào ý tưởng của mình, tôi đã không suy nghĩ thấu đáo đến hậu quả mà cứ thế lãng phí 71.000 USD. May thay, tôi còn 'vớt vát' được chút thể diện nhờ đăng nội dung trong cuốn băng đó lên mạng Internet.
Kara Goldin: Tốn tiền để tuyển sai người
Khi còn trẻ, tôi khá ngần ngại đầu tư cho bản thân, và nghĩ rằng so với việc đó, sở hữu một mức thu nhập ổn định là việc tốt hơn. Khi cuối cùng đã có đủ dũng khí để tự thành lập một công ty nước giải khát cho riêng mình, tôi đã phải dành rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc để tuyển mộ các cá nhân sở hữu nhiều kinh nghiệm hơn mình.
Thế nhưng, những vị "chuyên gia" này lại muốn tôi từ bỏ việc không sử dụng chất tạo ngọt - điều vốn đã làm nên thành công cho công ty của chúng tôi. Do đó, tôi đã phải tự mình mày mò, nghiên cứu tất thảy. Cuối cùng, Hint cũng phát triển thành công khi đã thiết lập tiêu chuẩn cho ngành nước giải khát và trung thành với sứ mệnh của công ty: giúp mọi người sống khỏe hơn trong khi vẫn có thể hưởng thụ cuộc sống.
Michael O'Brien: Vung tay quá trán với thẻ tín dụng
Công việc đầu tiên sau khi tôi tốt nghiệp đại học là nhân viên kinh doanh hưởng hoa hồng. Mỗi khi vượt chỉ tiêu bán hàng, tôi lại 'tiêu xài' như nước. Nhưng điều đáng nói là khi doanh số bán hàng trì trệ, tôi vẫn cố gắng duy trì lối sống ấy bằng thẻ tín dụng.
Cùng với đà suy thoái của nền kinh tế, doanh số bán hàng tiếp tục giảm sút; trong khi hạn mức thẻ tín dụng của tôi đã hết, mà bản thân tôi cũng chỉ còn đúng 3,73 USD. Hỏi mượn tiền từ bố, tôi cảm thấy bản thân không khác gì một kẻ thất bại. Nhưng, may mắn là ông đã giúp đỡ và dạy tôi sống tiết kiệm - điều đã giúp tôi trả hết nợ và cho tôi hiểu tự do tài chính là như thế nào.
James Mansfield: Bỏ bê sức khỏe và tinh thần
Sai lầm của tôi là chỉ suy nghĩ đến mục tiêu ngắn hạn, thay vì phải biết lập kế hoạch dài hạn cho tương lai. Đơn cử, tôi đã từng không muốn thuê huấn luyện viên cá nhân để chăm lo cho sức khoẻ và tinh thần của mình vì cảm thấy việc ấy quá đắt đỏ. Tuy nhiên, khoản đầu tư này đáng lẽ đã có thể mang lại nhiều lợi ích cho bản thân tôi, mà cái giá tôi phải trả khi bỏ qua nó cũng không hề nhỏ.
Giờ đây, tôi đã học được rằng, khi tình trạng sức khoẻ của bản thân không tốt và tinh thần không thoải mái, tâm trí tôi cũng bởi đó mà uể oải theo. Đó cũng lý do khiến tôi cân nhắc mọi chuyện trước khi ra quyết định, xem chúng có thực sự quan trọng trong 12 tháng tiếp theo hay không, và có mang lại giá trị cho cuộc sống của tôi hay không, cả về mặt sức khoẻ lẫn tinh thần, thay vì chỉ chú tâm vào số tiền kiếm được ngay lập tức.
Craig Handley: Bội chi mà không có bộ đệm tài chính
Lúc công việc kinh doanh của tôi bắt đầu có "đồng ra, đồng vào", tôi đã số tiền kiếm được cho đam mê, cho giúp đỡ bạn bè và gia đình, thay vì tiết kiệm hoặc đầu tư để kiếm thêm thu nhập. Tôi đã cho rằng, dòng tiền sẽ cứ tiếp tục lưu chuyển mà không chuẩn bị gì cho những lúc khó khăn.
Rồi khi trở ngại ập đến, tôi đã đánh mất tới 85% thu nhập, trong khi bản thân phải sống hết sức chật vật. Thế nên, lời khuyên của tôi là hãy ưu tiên xây dựng một bộ đệm tài chính trước khi chi tiền cho bất cứ việc gì khác ngoài hoạt động kinh doanh, hoặc chí ít, bạn phải có kế hoạch để thu về lợi ích từ đam mê của mình một cách rõ ràng.
Sara Chrisp: Trở thành nạn nhân của lạm phát lối sống
Khi thu nhập của tôi bắt đầu tăng lên mức sáu con số, tôi đã nâng mức chi tiêu lên sao cho tương xứng với thu nhập của mình, thay vì tiết kiệm khoản dư dả. Sống xa hoa thật sự là một ý tưởng tồi tệ, khi nó khiến tôi luôn nơm nớp lo sợ rằng, một ngày nào đó mình sẽ trắng tay. Thế nên, tôi đã thiết lập chế độ gửi tiền tự động để đầu tư ngay khi tiền được gửi vào tài khoản của tôi. Theo thời gian, tôi cũng dần trở nên có kỷ luật hơn, và hiện tại tôi đã có thể đầu tư cũng như tiết kiệm nhiều hơn khoản tiêu dùng.
Bill Gerber: Không học những điều cơ bản về kế toán
Nếu có ai đó nói cho tôi biết về tầm quan trọng của kế toán, thì chắc hai doanh nghiệp đầu tiên của tôi đã không phá sản. Khi đó, tôi chỉ chăm chăm vào doanh số và nhìn vào số tiền trong ngân hàng, để rồi cứ tưởng rằng mình đang làm rất tốt. Nhưng khi tôi vô tình nhìn thấy được con số thực tế, tình hình lại hoàn toàn khác. Lúc đó, tôi chỉ ước giá mà bản thân được học điều này sớm hơn, rằng bạn không cần phải là một kế toán viên chuyên nghiệp, song kiến thức cơ bản về kế toán là vô cùng quan trọng nếu mong muốn thành công.
Marcello Arrambide: Dùng tiền từ các "khoản vay" vì lý do không chính đáng
Lúc mới bắt đầu giao dịch chứng khoán, tôi đang làm một công việc có mức lương tối thiểu và cần tiền. Để giao dịch, tôi đã lấy 25.000 USD từ khoản vay sinh viên (khoản tiền giới hạn sinh viên được vay từ ngân hàng để chi trả học phí và phải hoàn trả sau khi hoàn thành việc học). Và, tôi đã mất trắng chỉ trong một tháng.
Tôi đã từng ước giá có ai đó nhắc tôi rằng "dục tốc bất đạt". Nhưng, thực tế là chúng ta đang sống trong một xã hội đòi hỏi kết quả ngay lập tức. Đôi khi bạn cần phải kiên nhẫn và cũng có lúc bạn phải tiến nhanh. Bí quyết là nằm ở chỗ nhận ra đâu là điểm khác biệt.
Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn
bất động sản cuộc sống thành công làm giàu Bí quyết Bí quyết doanh nhân hành vi Tập đoàn doanh nghiệp tiết kiệm giá trị