– Koniku, công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ sinh học, đang phát triển một robot có thể ‘đánh hơi’ mầm bệnh Covid-19 nhanh hơn hơn các phương pháp xét nghiệm thông thường. Nếu thành công, robot này có thể triển khai ở các sân bay để phát hiện những trường hợp nghi nhiễm trong số các hành khách.
Robot ‘đánh hơi’ chất nổ và các mầm bệnh
Công ty Koniku, có trụ sở ở bang California, Mỹ, sử dụng một công nghệ kết hợp các tế bào thần kinh với một chip silicon để tạo ra một robot ‘đánh hơi’ Konikore, có khả năng phát hiện các mùi đặc trưng từ chất nổ cho đến mầm bệnh.
Cuộc thử nghiệm lâm sàng với robot này được thực hiện cách đây ba tuần. Giờ đây, Konikore chuẩn bị đánh hơi các mẫu bệnh phẩm từ các bệnh nhân đã được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 để so sánh liệu nó có phát hiện ra virus này nhanh hơn so với các phương pháp xét nghiệm truyền thống hay không. Các cuộc thử nghiệm nội bộ quy mô nhỏ cho thấy nó có thể phát hiện chính xác sự hiện diện của mầm bệnh cúm A.
Oshiorenoya Agabi, Giám đốc điều hành Koniku, nói: “Mục tiêu của chúng tôi là sản xuất một thiết bị kết hợp sinh học tổng hợp với silicon và xác định tất cả mùi của con người trên toàn cầu. Chúng ta nên có một thiết bị như vậy ở nhà để kiểm tra bệnh tật”.
Các tế bào mầm bệnh sản sinh ra các hợp chất hữu cơ dễ bay với mùi riêng biệt. Các mùi này chính là manh mối sinh học cho phép chó nghiệp vụ đánh hơi được hàng chục loại bệnh. Tháng trước, Phần Lan đã thử nghiệm sử dụng chó nghiệp vụ để đánh hơi mầm bệnh Covid-19 từ các mẫu kiểm tra của hành khách tại sân bay Helsinki.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng sử dụng chó nghiệp vụ có chi phí rẻ hơn và có khả năng phát hiện mầm bệnh Covid-19 nhanh hơn và thậm chí có thể hiệu quả hơn so với các phương pháp như kiểm tra thân nhiệt, xét nghiệm mẫu dịch mũi hoặc họng. Hồi tháng 7, các nhà nghiên cứu ở Đức đã chứng minh rằng chó nghiệp vụ có thể phân biệt được mẫu nước bọt của những người nhiễm virus SARS-CoV-2 với những người không bị nhiễm trong hơn 90% số lần kiểm tra.
Robot đánh hơi Konikore giống như một chiếc đĩa bay thu nhỏ. Khi protein trong con chip của robot bắt được một mùi đã được lập trình để phát hiện, các tế bào thần kinh sẽ xử lý các tín hiệu này với sự hỗ trợ của các thuật toán học máy và robot sẽ phát sáng lên.
Trong một cuộc thử nghiệm hiện trường gần đây ở bang Alabama, robot Konikore của Koniku đã chứng minh rằng nó phát hiện chất nổ tốt hơn chó nghiệp vụ. Cuộc thử nghiệm được thực hiện bởi các quan chức cảnh sát và hãng sản xuất máy bay Airbus, một nhà đầu tư của Koniku đồng thời cũng là đối tác đang làm việc với startup này để triển khai công nghệ mới tại các sân bay.
Koniku dự định tiến hành các cuộc thử nghiệm hiện trường với Airbus ở sân bay Changi của Singapore và tiếp theo là Sân bay quốc tế San Francisco ở Mỹ vào cuối năm nay.
Nhiều ứng dụng tiềm năng
Sự kết hợp giữa sinh học và công nghệ điện toán ở robot đánh hơi Konikore, thường được gọi là ‘phần ướt’ (wetware), là một lĩnh vực đang ngày càng phát triển. Các nhà đầu tư của Koniku bao gồm những tên tuổi đáng chú ý như SoftBank, Platform Capital, Halfcourt Ventures, sân bay Changi và một đơn vị đầu tư vốn mạo hiểm của Airbus.
Koniku đã thuê Treximo, một công ty quản lý dự án và tư vấn công nghệ sinh học, để tiến hành các cuộc thử nghiệm đối với virus SARS-CoV-2. Treximo cho biết sẽ tiến hành các bước cần thiết để đề nghị Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng robot đánh hơi của Koniku trong trường hợp khẩn cấp vào quí 1-2021.
“Chúng tôi biết thiết bị này có thể đánh hơi chất nổ nhưng liệu nó có thể nhận diện các hợp chất hữu cơ trong hơi thở con người để xác định một người có nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không? Nếu được chứng minh là có thể, đó sẽ là thiết bị làm thay đổi cuộc chơi”, Giám đốc điều hành Treximo, Michael Stomberg, nói khi ám chỉ đến các ưu thế tiềm năng của robot đánh hơi Konikore trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
“Nếu chó có thể đánh hơi được mầm bệnh Covid-19, robot của chúng tôi cũng có thể”, Agabi nói. Sau khi dịch Covid-19 qua đi, Agabi cho biết công ty ông sẽ phát triển robot này thêm để nó có thể đánh hơi được các căn bệnh mà các công ty bảo hiểm có thể sẵn sàng trang trải cho chi phí xét nghiệm, chẳng hạn như ung thư phổi. Trong tương lai, nếu thành công, robot này không chỉ được sử dụng trong mọi gia đình và còn ở những không gian công cộng để phát hiện ra các mầm bệnh.
“Lĩnh vực khám bệnh từ xa đang phát triển. Mục tiêu của chúng tôi không phải là tạo ra một ứng dụng kiểu như Zoom mà là đưa công nghệ gần hơn đến mọi người để giúp phát hiện bệnh tật theo thời gian thực”, Agabi nói.
Về tầm nhìn dài hạn, ông cho rằng công nghệ này có thể sử dụng rộng rãi ngoài việc phát hiện bom và mầm bệnh. Chằng hạn như, nó có thể ‘số hóa’ mùi vị thực phẩm, cho phép nghiên cứu để tạo ra những thực phẩm nhân tạo, chẳng hạn như thịt lợn muối xông khói nhân tạo.
Theo Bloomberg
Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn
Airbus Covid Covid-19 robot sản xuất thực phẩm đầu tư