20/09/2020 23:24  
Ai đã đi tàu hỏa Bắc -Nam đều ấn tượng khi tàu xuyên qua núi đá ở sông Gianh (8 hầm chui), Hải Vân(6 hầm ), đèo cả (3 hầm ), tuyến đường Thống Nhất có 27 hầm với chiều dài tổng cộng là 8335 m.
Thời mới có tàu Thống Nhất, cả nước hát bản nhạc Phan Lạc Hoa:
“ Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay
Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi
Nhớ khi xưa qua đèo qua suối
Mà lòng ta mơ, tàu qua núi cao...”
***

Sau 45 năm, dù vé tàu bay bây chừ rẻ hơn tàu hỏa, một số người vẫn có cái thú đi tàu xem xuyên núi, vì nó ... đẹp ngất ngây khi qua sông Gianh và đèo Hải Vân. Nhưng tàu xuyên núi là chỗ “độc đạo và nguy hiểm”, không dễ gì có tàu dừng ở ga xép mấy chỗ này, (chỉ có ga Hải Vân để tránh tàu),với 6 hầm chui, trong đó hầm dài nhất là 600 m, rất nghiêm ngặt về “cấm cửa mọi người, kể cả nhà báo”.
***

Vào sáng 16/8/2020 tôi đã đến được cung đường sắt sông Gianh ở ga kỹ thuật Lạc Sơn (không cho khách dừng ga này) và thuyết phục được ông bảo vệ cho vào hầm để chụp cảnh 2 cái hang đá lớn có cửa thông ra sông Gianh (gọi là hang Minh Cầm-rất nổi tiếng). Ôi chao là đẹp và quá LẠ, chắc ít ai được như tui nhé...hi hi. Ngất ngây hơn 2 tiếng chụp ảnh hang và các núi đá đứng sát mép nước. Hỏi ông bảo vệ,liệu đá dựng đứng thế này có lúc nào rớt xuống?, ổng kêu mới năm kia chứ đâu, rớt 3 tảng đá chặn luôn cửa hang (15-24 tấn- xem hình)
Các bạn xem ảnh và video chỗ lạ lùng này nhé
***

Ra khỏi hang, tôi quay sang bên kia sông chụp ảnh từ bờ Nam rồi ngồi trên bờ sông Gianh nghĩ ngợi về tuyến đường sắt xứ Việt có tốc độ lưu thông thấp nhất thế giới (do chạy qua nhiều nơi đông dân cư, qua nhiều đèo có khúc cua gấp, giao cắt với đường bộ nhiều, đường đơn, đặc biệt là khổ đường ray hẹp).
Năm 1881, Toàn quyền P. Đu-me khởi xướng dự án đường xe lửa xuyên Đông Dương, ròng rã sau 37 năm, mạng đường sắt bắc - nam dài 2.600 km hoàn thành sau khi nối thanh ray cuối cùng trên tuyến xuyên Việt tại khu Hảo Sơn - Đại Lãnh vào năm 1926. Thời bấy giờ, đó là tuyến đường sắt hiện đại nhất Đông - Nam Á. Đó là thành quả của nền khoa học - kỹ thuật phương Tây mà người Pháp đưa vào Việt Nam, đồng thời cũng là mồ hôi, xương máu của hàng vạn dân phu người Việt.

***
Bây chừ có 259 ga cũ kỹ, hệ thống cầu, hầm đường sắt phần lớn xuống cấp, hư hỏng. Toàn ngành có gần 300 đầu máy “tạp pí lù”, đầu máy cũ công suất, tốc độ thấp, tiêu hao nhiều nhiên liệu chiếm tới gần 60%. Hơn 1.000 toa xe khách, hầu hết đều đã được đưa vào khai thác từ hơn 10 năm đến 20 năm... Đội ngũ nhân viên trên tàu khách có lẽ là “nhóm làm việc kiểu bao cấp cuối cùng vẫn còn tồn tại “, tôi đi nhiều lần gần đây ...vẫn như rứa!
Đường sắt ta giống như “người khổng lồ chân đất sét”, lún vào tình thế khó vượt khỏi chính mình.Mấy đời lãnh đạo đã đến và đi, nhưng có ai cạnh tranh được giá vé rẻ với Boing của Bamboo ?
***

Hình ảnh của đường sắt hôm nay không khác gì mấy so 75 năm trước, trong câu thơ của nhà thơ Tế Hanh:
Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
 


Hoàng Quang Vinh

Quảng Bình   Sông gianh   Quê hương   Tàu hoả