29/09/2020 10:04  
Các cuộc giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia tiếp tục leo thang với các đợt bắn phá lẫn nhau. Ít nhất 29 người thiệt mạng trong ngày giao tranh thứ hai.

Reuters đưa tin, quân đội Azerbaijan và Armenia tiếp tục đấu pháo và rocket ở khu vực Nagorno-Karabakh trong cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất hàng chục năm qua.

Lãnh đạo vùng Nagorno-Karabakh cho biết, 27 binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh ngày 28/9 sau khi 31 quân nhân thiệt mạng và 200 người khác bị thương trong cuộc giao tranh với lực lượng của Azerbaijan một ngày trước đó.

“Đây là cuộc chiến giữa sự sống và cái chết”, ông Arayik Harutyunyan, lãnh đạo vùng Nagorno-Karabakh, nói sau khi đã tuyên bố thiết quân luật và thông báo tổng động viên với nam giới trên 18 tuổi ở Armenia.

Về phía Azerbaijan, Bộ Quốc phòng nước này cho biết, 550 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng hoặc bị thương trong các đợt “phản công” của Azerbaijan. Azerbaijan cũng nói rằng đã bắn phá 22 xe tăng, 18 máy bay không người lái và 15 tổ hợp phòng không, 8 đơn vị pháo binh của Armenia.

Cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Armenia và Azerbaijan nổ ra từ sáng 27/9, khi hai bên cáo buộc nhau tấn công trước vào các mục tiêu ở vùng Nagorno-Karabakh. Olesya Vartanyan, chuyên gia phân tích cấp cao tại Crisis Group, bình luận: “Chúng tôi chưa từng thấy một cuộc giao tranh nào như này kể từ sau lệnh ngừng bắn vào những năm 1990”.

Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan khiến dư luận quốc tế lo ngại. Nga kêu gọi hai bên ngừng bắn ngay lập tức, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ nói sẽ ủng hộ Azerbaijan. Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án cuộc xung đột và kêu gọi các bên ngừng các hoạt động thù địch, tránh leo thang căng thẳng. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ tìm cách ngăn chặn cuộc giao tranh này. “Chúng tôi có nhiều mối quan hệ tốt đẹp ở khu vực đó. Chúng tôi sẽ xem liệu có thể ngăn chặn được cuộc xung đột đó hay không”, Tổng thống Trump cho biết.

Nagorno-Karabakh là khu vực được cộng đồng quốc tế công nhận thuộc Azerbaijan. Tuy nhiên, khu vực này có đa số dân là người gốc Armenia nên muốn ly khai để sát nhập vào Armenia. Khu vực được Armenia hậu thuẫn về quân sự và tài chính. Tranh chấp chủ quyền tại Nagorno-Karabakh giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã kéo dài nhiều năm nhưng cho tới nay vẫn chưa có hồi kết và xung đột thường xuyên xảy ra tại khu vực này.

Minh Phương
Theo Reuters

Nguồn tin: dantri.com.vn


lãnh đạo   Donald Trump   Lãnh đạo   chuyên gia   căng thẳng   lãnh đạo