29/09/2020 10:34  
Nhiều ông chủ sản xuất khẩu trang y tế nhận quả đắng khi giá mặt hàng này tụt dốc không phanh, thậm chí bỗng chốc trắng tay, trở thành con nợ…

Bán tháo, thanh lý thiết bị

Đầu tư vào máy sản xuất khẩu trang y tế trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên khi cơn sốt khẩu trang lên đỉnh điểm với số tiền hơn 4 tỷ đồng, ông M. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể: Những ngày cuối tháng 4, khi giá khẩu trang y tế lên mức 450 - 500 nghìn đồng/hộp, nhiều người đã nhanh chóng rót tiền vào mở xưởng, đầu tư, mua dây chuyền, thiết bị để sản xuất, nguyên vật liệu. Ông cũng nhập cuộc chơi với mong muốn “đổi đời”.

Những tưởng đây sẽ là cỗ máy “hái ra tiền” khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ông M. đã thế chấp cả sổ đỏ vay ngân hàng để mua máy móc với mức giá đắt gấp nhiều lần giá trị thực.

“Những ngày đầu hỏi mua giá khoảng 650 - 700 triệu đồng/dây chuyền, nhưng lúc bấy giờ sau 3 tuần giá đã đội lên 3 - 5 tỷ đồng phụ thuộc vào loại máy sản xuất được khẩu trang 3 lớp hoặc 4,5 lớp. Chưa hết, còn phải tranh nhau đặt hàng theo giờ, không thì cũng chẳng còn máy để lấy”, ông M. nói.

Theo ông M., loại dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế hoàn toàn tự động thường được chọn nhiều trong thời điểm đó do năng suất cao, có thể sản xuất đến 50 - 70 thùng/ngày. Và đó cũng là nguyên nhân khiến ông “chết nhanh” khi giá khẩu trang rớt thê thảm.

“Đợt đầu, với giá khẩu trang bán ra thu lãi hơn 2 triệu đồng/thùng, chỉ trong một tuần hoạt động, đã thu về được gần 1 tỷ đồng. Do đó, năng suất cũng được đẩy lên 70 thùng/ngày. Tuy nhiên, những chuỗi ngày sau đó giá liên tục giảm và nhanh đến mức chỉ 10 ngày sau đã chạm đáy. Không những không đẩy được hàng đi mà còn ôm lỗ cho hơn 5.000 thùng hàng”, ông M. nói và cho biết thêm: “Máy móc buộc phải dừng hoạt động. Tôi rơi vào chuỗi ngày mất ngủ, phần vì lo sợ quản lý thị trường thu hàng, phần vì chưa biết xoay xở thế nào để bù đắp số vốn còn lại”.

Phải rao bán dàn máy với mức giá 1 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 giá đầu tư, tổng thiệt hại ước tính cho “phi vụ” này của ông M. là hơn 3 tỷ đồng sau khi hạ giá bán sản phẩm và tính toán hết các khoản lãi trước đó. “Trắng tay chỉ chưa đầy 1 tháng, còn gánh thêm khoản nợ “trời ơi đất hỡi”, ông M. ngán ngẩm.

Mất trắng tiền cọc do cả tin!

Trường hợp của ông M. còn được cho là khá may mắn, nhiều trường hợp không thanh lý được máy móc mà phải chấp nhận đắp chiếu nhiều tháng trời. Thậm chí, nhiều trường hợp lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền cọc khi giá khẩu trang y tế rơi xuống đáy.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về câu chuyện bị lừa tiền cọc 8,1 tỷ đồng, ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Trường Tiến tại TP HCM chia sẻ: Sau khi có thông tin về ca nhiễm đầu tiên ngoài cộng đồng tại Đà Nẵng, ông đã ra Hà Nội tìm đến đối tác Lê Hữu Thường, được giới thiệu là chủ tịch tại một số công ty có các sản phẩm khẩu trang mang thương hiệu như: M., N.A, H.P... có thể đáp ứng mọi nhu cầu về đơn hàng.

“Sau nhiều lần trao đổi, ông Thường có mang theo hợp đồng đã được ký và đóng dấu sẵn với đại diện bên bán là Công ty Hưng Phát đến gặp tôi tại một khách sạn ở quận Tây Hồ”, ông Tiến kể.

Xem qua hợp đồng thấy có nhiều điều khoản cần phải thay đổi nên ông Tiến đã yêu cầu ông Thường phải sửa lại hợp đồng về thời hạn giao hàng vì trong lúc thị trường đang “sốt”, nhiều người cần có hàng để cung ứng ra thị trường kịp thời. Sau đó, do quá tin, 2 bên đã đi đến thống nhất việc mua bán với giá trị hàng lên đến 20 tỷ đồng. Tuy nhiên con số thể hiện trên hợp đồng chỉ 12 tỷ đồng với 6.000 thùng khẩu trang 4 lớp, đơn giá 2 triệu đồng/thùng.

Hai bên cũng đi đến thống nhất rằng, sau khi chuyển số tiền cọc 8,1 tỷ đồng thì bên bán sẽ thực hiện việc giao hàng mỗi ngày 200 - 300 thùng và sẽ tiếp tục thực hiện theo lộ trình cho đến khi hết số lượng hàng. Tới hẹn, ông Tiến đã chuyển hết số tiền cọc nhưng phía đối tác lại lấy nhiều lý do để trì hoãn không thực hiện việc giao hàng, trong bối cảnh giá khẩu trang tăng lên từng giờ rồi sau đó rớt nhanh khiến việc sản xuất khẩu trang cũng bị chững lại.

Nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường, ông Tiến đã trực tiếp liên hệ với ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc Công ty Hưng Phát. Sự việc vỡ lẽ khi ông Hưng cho rằng, không ký hợp đồng, không có lịch giao hàng nào cho Công ty Trường Tiến, trong khi bản hợp đồng ông Tiến nắm trong tay có con dấu, chữ ký của ông Hưng với tư cách là Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Hưng Phát (!?).

Nhiều dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?

Mặc cho ông Tiến nhiều lần gọi điện để yêu cầu làm rõ sự việc, nhưng ông Thường luôn trốn tránh, không chịu gặp. Lúc này, chủ động tìm hiểu các thông tin về đối tác, ông Tiến mới ngã ngửa: Tháng 3/2020, TAND thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo là ông Lê Hữu Thường. Ngoài ra, ông Thường cũng không có bất kỳ mối quan hệ chủ sở hữu nào đối với các thương hiệu khẩu trang.

Ngày 23/9, xác nhận với PV Báo Giao thông, ông Tiến cho biết, đã gửi đơn tố cáo hành vi của những cá nhân trên đến các cơ quan chức năng. Điều tra ban đầu cho thấy, ông Lê Hữu Thường, Đoàn Ngọc Vượng và ông Nguyễn Thế Hưng có những dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi số tiền cọc được chuyển theo tài khoản thụ hưởng của những cá nhân trên và đều được các cá nhân xác nhận đã nhận được tiền.

“Số tiền 3,6 tỷ đồng được chuyển vào số tài khoản của Công ty Hưng Phát; 2,4 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Lê Hữu Thường và 2,1 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản của ông Đoàn Ngọc Vượng”, ông Tiến thông tin.

Ông Tiến cũng chia sẻ, mặc dù chối bỏ mọi trách nhiệm giao hàng do không biết hợp đồng đã được thỏa thuận, tuy nhiên, ông Hưng đã lộ ra những dấu hiệu lừa đảo khi có những phản ứng “lạ” khi Công ty Trường Tiến ra thông báo chấm dứt hợp đồng với Công Hưng Phát do chậm giao hàng trong thời gian 6 ngày và yêu cầu phía Công ty này trả lại tiền.

Ngay lập tức Công ty Hưng Phát ra thông báo giao 1.000 thùng khẩu trang và yêu cầu bên mua thanh toán 2 tỷ đồng tiền hàng trước khi giao hàng. “Hành động này chứng tỏ, Công ty Hưng Phát đã thừa nhận việc có ký kết hợp đồng mua bán với Công ty Trường Tiến. Đồng thời, cũng thừa nhận vai trò của ông Thường, ông Vượng trong sự việc làm cầu nối ký kết hợp đồng giữa Công ty Trường Tiến và Công ty Hưng Phát”, ông Tiến cho hay.

Ngoài câu chuyện của Trường Tiến, thời gian gần đây cũng rộ lên nhiều tin “lừa đảo” mua bán khẩu trang y tế khiến nhiều người khóc ròng... Mới đây, tại trụ sở Công ty Vision Việt Nam, địa chỉ Phòng 1002, tầng 10, Tòa nhà Rosana 60 Nguyễn Đình Chiểu (quận 1, TP HCM), một nhóm người đã căng băng rôn nêu tên Tổng giám đốc Phạm Thị Phương Thúy để tố cáo, đòi tiền.

Theo khách hàng, họ đặt cọc hơn 4 tỷ đồng nhưng nhận hàng nhỏ giọt, khẩu trang không có logo... nên đã đồng thuận thanh lý hợp đồng, ấn định thời gian và số tiền hoàn cọc. Tuy nhiên, phía Công ty Vision Việt Nam sau đó đã không thực hiện đúng thỏa thuận với thống nhất từ ngày 17/9 - 10/10, mỗi ngày trả hơn 72 triệu đồng.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, trụ sở trên của 2 doanh nghiệp Vision Việt Nam và IFG - Icarebase Việt Nam với người đại diện pháp luật đều là Phạm Thị Thu Phương.

Trước sự việc, Công ty IFG-Icarebase Việt Nam ra thông cáo báo chí khẳng định không có quan hệ gì với khách hàng căng băng rôn tố cáo đòi tiền và IFG-Icarebase Việt Nam và Vision Việt Nam là 2 pháp nhân độc lập. Vậy, đại diện pháp luật của IFG-Icarebase Việt Nam có liên quan tới vụ tố cáo mua bán khẩu trang hay không khi bà này đồng thời là đại diện pháp luật của Vision Việt Nam? PV Báo Giao thông đã đặt câu hỏi này tới bà Phương nhưng tới nay vẫn chưa nhận được câu trả lời!

Theo Hồng Hạnh
Báo Giao thông

Nguồn tin: dantri.com.vn


doanh nghiệp   Covid   Covid-19   HCM   Hà Nội   Việt Nam   doanh nghiệp   giá trị   hành vi   sản xuất   Đà Nẵng   Đầu tư   Đầu tư   đầu tư