Điểm đến là Tiểu khu rừng tràm 34 (nơi được giao khoán cho các hộ dân quản lý, ở ấp Cán Gáo, xã Đông Hưng B, H.An Minh, Kiên Giang). Người anh em “thổ địa” vùng đất U Minh Thượng tiết lộ thời tiết mùa này mưa nắng thất thường nên phải tranh thủ đi càng sớm càng tốt, bởi nếu gặp những trận mưa lớn thì ong sẽ hút mật rồi bay đi hết.
Trải nghiệm “giáp lá cà” với ong rừng
Muốn vào Tiểu khu rừng tràm 34 phải đi một bằng vỏ lãi một đoạn dài bởi đường ở đây chưa được đầu tư. Tới nơi, anh em ai cũng háo hức, sẵn sàng cho chuyến “ăn ong”. Riêng tôi được người em là chủ rừng bắt phải mặc đồ bảo hộ và dùng cái lưới bao quanh mặt, đi theo cầm thau đựng mật. Sau một lúc đắn đo, tôi gật đầu đồng ý để trải nghiệm một trận “giáp lá cà” với lũ ong rừng.
Tất cả lên một chiếc vỏ lãi bơi xuyên qua mấy đám rừng tràm mới tới nơi tổ ong đóng trên kèo. Cách đó không xa thêm một tổ nữa. Thấy tổ ong đen lù nằm khuất trong đám tràm to hơn cái thúng đựng lúa, anh em bắt đầu lia máy chụp, còn tôi “lận” theo điện thoại chứ tay phải cầm 1 cái thau, 1 cái thùng đựng mật và tàn ong.
Giây phút hồi hộp đã đến. Thằng em đốt cây đuốc bằng lá dừa đưa gần tổ ong. Thấy lửa và khói, đàn ong túa ra vèo vèo bao quanh người tôi. Chưa lấy mật, tôi tranh thủ lấy điện thoại ra tác nghiệp ngay trong “vòng vây” của lũ ong rừng. Chưa đầy 5 phút, một cục ong mật và tàn ong cũng được thằng em thao tác xong rồi ra “hiệu lệnh” rút ra ngoài.
Vừa tàn vừa mật nặng gần 10 kg được bê ra phía bờ rừng, nơi chiếc vỏ lãi đậu sẵn. Thằng em bảo tiếp tục lấy mật tổ ong thứ 2. Chưa kịp run khi đối diện với đàn ong tổ thứ 1, nhưng tôi phải làm theo bởi cây đuốc đã cháy gần một nửa, nếu không đi lấy kịp sợ không đủ khói lũ ong bám vào tổ không chịu bay ra thì chẳng những không lấy được mật mà có thể bị “trả đũa” no đòn. Cũng giống như lần trước, tôi bê cái thau, thằng em cầm cây đuốc đuổi ong bay ra để lấy mật. May thay, mọi thứ đều trót lọt, không bị con ong nào chích, chúng tôi hồ hởi với “chiến lợi phẩm” của mình.
Bị ong chích nên “kỵ” từ đi bắt
Anh Huỳnh Văn Duẩn, người đi cùng đoàn kể, năm 2009, anh cùng với 141 hộ dân khác vào đây nhận khoán đất rừng phòng hộ, mỗi hộ được nhận trung bình 5 ha. Lúc mới về đã có cây tràm hơn 10 tuổi nên cũng thuận lợi cho ong làm tổ. Phần đất nhận khoán có ong làm tổ thì đương nhiên người khoán được hưởng lợi. Tuy nhiên, thu hoạch mật ong rừng tự nhiên không bao lâu thì ít dần và lũ ong thường dời tổ “nhập cư” qua phần đất khác. Thấy vậy, nhiều người nghĩ đến việc làm kèo gác ong ngay trên phần đất nhận khoán của mình để “dụ” ong về.
Nói nghe dễ nhưng thực tế từ khi gác kèo, lấy mật cũng gặp nhiều sự cố ngoài ý muốn. Chị Nguyễn Thị Tặng (vợ anh Duẩn) cho biết từng mấy lần chưa kịp lấy được mật ong đã suýt nhập viện.
“Có lần, anh Duẩn tay cầm đuốc hun khói để xua đàn ong, tay cầm dao rồi kèm thùng để đựng mật trèo lên cây tràm, chưa lấy được mật thì bị ong đốt, giật mình làm rơi cái thùng trúng ngay vào lưng mình đang đứng phía dưới. Cũng may là thùng chưa lấy được mật, chứ không thì nhập viện là cái chắc", chị Tặng kể.
Còn chuyện bị ong đốt thì chị Tặng cho rằng nếu không bị là không chữa được bệnh vì nọc ong bây giờ nằm khắp cơ thể. Cũng vì bị ong “hun” hoài nên giờ mỗi lần có tổ ong lớn là anh Duẩn không dám vào lấy mật mà phải nhờ đến các “sư phụ” lớn tuổi. Cũng từ khi bị ong đốt mỗi lần đi bắt hoặc lấy mật nên người dân ở đây kỵ từ này rồi đổi thành đi “ăn ong”.
Xóa nghèo nhờ nghề gác kèo ong
Anh Duẩn cho biết việc làm kèo gác ong không khó, nhưng muốn có được một kèo ong phải qua nhiều công đoạn và đến khi gác ở vị trí nào để ong về làm tổ mới thật sự quan trọng. Trước hết, chọn cây tràm khoảng 10 năm tuổi, sau đó chẻ ra đem phơi nắng chừng 1 tháng rồi lấy sáp ong bôi vào, vừa để cây không bị mau hư, vừa để dẫn dụ ong về làm tổ. Sau đó đem ra rừng tràm, tùy kinh nghiệm của từng người, nhưng nhất định phải đưa đầu kèo hướng lên ánh sáng mặt trời để đàn ong thấy mà về làm tổ.
Anh Duẩn chỉ là “tay non” trong nghề gác kèo ong nhưng cũng kiếm được kha khá tiền. Anh cho biết lúc mới về Tiểu khu 34, thấy nhiều người gác kèo ong lấy mật bán có tiền nên mê lắm nhưng bản thân không biết nghề này. Sau đó, anh nhờ cha vợ (cũng người địa phương ở vùng U Minh Thượng) sang giúp 1 năm đầu, sau đó tự học nghề nên giờ đã có gần 10 năm trong nghề.
Với 40 kèo gác trong đất nhận khoán 5 ha rừng tràm, mỗi năm, gia đình anh Duẩn thu nhập trên 20 triệu đồng. “Nghề gác kèo ong vừa có tiền, vừa là thú vui nhưng cũng đáng sợ lắm. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên tôi bị ong chích sưng húp mặt. Có lần, mới gác kèo khoảng 15 ngày, khi ra thăm thì tá hỏa thấy một cục đen ngòm có hình thù như voi con, sau một lúc định hình mới biết đó là tổ ong mật “khủng”. Sau đó, tôi thu từ tổ ong này gần 20 lít mật”, anh Duẩn chia sẻ.
Còn ông Võ Văn Thạch cho biết ngay năm đầu gác 30 kèo trên phần đất rừng tràm nhận khoán thì có 20 tổ ong về đóng. Trung bình 5 -7 lít mật/tổ, mỗi năm ông thu về 200 lít mật ong. Thấy hiệu quả, có thời điểm ông Thạch gác đến 60 kèo, với vài chục tổ ong, nhưng dần dần đàn ong ít lại.
“Gác kèo ong lấy mật ai thấy cũng mê. Nhưng nghề nào cũng vậy, hễ được này thì mất kia, mật nhiều thì giá thấp và ngược lại. Thời điểm năm 2011, mật ong nhiều, giá chỉ 150.000 đồng/lít lại không có người đến mua, mình phải tự đi bán. Còn hiện giờ, giá mật ong lên đến 600.000 đồng/lít, nhưng không có nhiều để bán”, ông Thạch chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Công, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Cán Gáo, cho biết nhờ nghề gác kèo ong lấy mật người dân vùng U Minh Thượng có thu nhập ổn định nên hầu hết 142 hộ gia đình ở Tiểu khu 34 đều làm nghề này. Nghề này không làm giàu được nhưng có thu nhập ổn định, giúp người dân dần xóa được nghèo. Toàn ấp Cán Gáo hiện có 404 hộ với 1.660 khẩu, trong đó chỉ còn 18 hộ nghèo, riêng Tiểu khu 34 trước đây đa số là hộ nghèo thì nay còn chưa đến 10 hộ nghèo.