Từ Phnompenh đến Siemreap, từ Nam tới Bắc
“Thị trường bán lẻ điện máy tại Campuchia khá manh mún, giống thị trường Việt Nam cách đây tầm chục năm”. Đó là nhận định của đội ngũ làm thị trường của MWG tại đây. Việc này đã tạo ra những rào cản nhất định cho người tiêu dùng khi số lượng hàng hóa hạn chế, hàng không hoá đơn hay hàng xách tay tràn ngập thị trường. Số lượng cửa hàng ít ỏi cũng khiến việc bảo hành, dịch vụ hậu mãi trở nên khó khăn. Được biết, chuỗi bán lẻ hàng điện máy lớn nhất tại đây cũng chỉ sở hữu khoảng 20 cửa hàng, tổng tất cả các đơn vị bán lẻ theo chuỗi khác ở thị trường này cộng lại chưa tới 50.
Campuchia vừa là thị trường điện máy mới, nhưng cũng là thị trường cũ của Thế Giới Di Động. Cách đây 3 năm, khi lần đầu tiến vào thị trường này, MWG mang tới mô hình BigPhone, tức mô hình tương đương thegioididong.com tại quê nhà. Sau những bước làm quen với thị trường, chiến lược giờ đây đã đổi khác. Bluetronics được cho là một mô hình tối ưu hơn khi cho phép không gian mua sắm lớn hơn, nhiều lựa chọn hàng hóa hơn, từ điện tử tiêu dùng, gia dụng cho đến điện thoại, phụ kiện...
Theo bản đồ phủ sóng, với 20 cửa hàng quanh khu vực thủ đô Phnompenh ở phía Nam, Bluetronics sẽ ngược lên phía Tây Bắc, tới Siemreap và hoàn tất “phủ xanh” bản đồ Campuchia vào cuối năm 2020. Nhận định từ đội ngũ MWG, vì dung lượng thị trường nhỏ và thu nhập của người dân ở thời điểm hiện tại, 50 cửa hàng là con số phù hợp cho thị trường này.
Việc quyết định phủ nhanh, phủ rộng để hoàn tất mục tiêu 50 cửa hàng trong 6 tháng vừa mở ra cơ hội tại một thị trường mới vừa thể hiện sự quyết liệt của MWG trong quyết định chinh phục thị trường nước ngoài, mặc dù xét về “độ khó” khi mở một cửa hàng tại Campuchia có lẽ gấp 10 lần so với mở tại Việt Nam.
Sải cánh vươn cao
Mặc dù không phải là thị trường có quy mô lớn, song Campuchia lại là thị trường có ý nghĩa quan trọng với MWG. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động chia sẻ: “Nếu hoàn tất 50 cửa hàng, chúng tôi có thể chiếm tới 50% thị phần. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là, từ Campuchia, chúng tôi có thêm tự tin mang công thức chiến thắng để chinh phục những thị trường lớn hơn bên ngoài lãnh thổ Việt Nam như Indonesia, Philipin…”
Chia sẻ về “công thức” chinh phục thị trường nước ngoài, ông Hiểu Em tự tin: “Tại Việt Nam, chúng tôi đã thành công với mô hình Điện máy Xanh, vì vậy để chinh phục các thị trường khác, chỉ cần đưa ra mô hình này và điều chỉnh theo văn hóa từng địa phương”.
Cụ thể là việc địa phương hoá toàn bộ vận hành của Bluetronics và học hỏi có chọn lọc công thức thành công của Điện máy Xanh ở Việt Nam. Địa phương hoá bắt đầu từ cách sử dụng nhân sự, toàn bộ nhân viên là người Campuchia, chỉ một số ít quản lý cấp cao là người Việt Nam. Ngoài ra, Bluetronics cũng sẽ địa phương hoá luôn việc xây dựng văn hoá mua - bán hàng, từ cách thức bài trí xây dựng cho đến các hoạt động khuyến mại, hậu mãi.
“Khi ra nước ngoài, chúng tôi cũng có các nhà sản xuất cùng đồng hành, họ đều là các công ty toàn cầu và điều đó làm cho mọi thứ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. “Điện máy Xanh oversea” sẽ là tương lai mới của Thế Giới Di Động”, ông Hiểu Em cho biết.
Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn