Trong 4 tuần qua, biến chủng BA.5 chiếm ưu thế, hiện TP.HCM chưa phát hiện biến thể BA2.74. Đối với dịch sốt xuất huyết, trong 2 tuần gần đây, số ca mắc mới có xu hướng giảm, nhưng số ca điều trị tại các bệnh viện vẫn đang ở mức cao. Tính đến ngày 30/8, số ca điều trị tại bệnh viện là 1.485 ca, trong đó bệnh viện thành phố 1.086 ca.
Đối với công tác tiêm chủng, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết, tỷ lệ tiêm vắc - xin thấp ở các nhóm. Quận huyện có tỷ lệ tiêm vắc - xin mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi thấp và tiến độ chậm là quận 7, 3, 1, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi có tỷ lệ cao hơn tỷ lệ chung của cả nước (82,9%).
Quận huyện có tỷ lệ tiêm vắc - xin mũi 2 cho trẻ 5 đến 11 tuổi thấp và chậm là: quận 1, 7, 3, 8, Tân Bình, Bình Thạnh, Nhà Bè. Huyện Cần Giờ là địa phương có tỷ lệ tiêm vắc - xin mũi 2 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi cao hơn tỷ lệ chung cả nước (53,5%).
Quận huyện có tỷ lệ tiêm vắc - xin mũi 3 cho trẻ 12 đến 17 tuổi thấp và chậm là: quận 1, 5, 3, 8, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, TP.Thủ Đức. Huyện Cần Giờ và Củ Chi đạt tỷ lệ cao hơn tỷ lệ chung cả nước với hơn 50.9%.
Đối với tiêm chủng mở rộng, TP.HCM mới chỉ đạt 76,6% so với kế hoạch, thiếu 18,4% so với chỉ tiêu cần đạt 95%. Tất cả các quận huyện, TP. Thủ Đức không đạt chỉ tiêu; nhiều quận huyện có tỷ lệ tiêm thấp dưới 75% như: quận 5, Bình Thạnh, 12, 10, Phú Nhuận, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.
Trước thực trạng này, ngành y tế yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc - xin Covid-19 cho mọi lứa tuổi; UBND quận huyện, TP. Thủ Đức và các sở ngành tiếp tục tăng cường giám sát chất lượng và đánh giá hiệu quả các hoạt động triệt nơi sinh sản của muỗi; đồng thời thực hiện song song 2 hoạt động tiêm chủng mở rộng và tiêm vaccine Covid-19.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, việc giao ban phòng chống dịch hàng tuần rất cần thiết khi mà tình hình dịch bệnh và các hoạt động trên địa bàn Thành phố chưa được trôi chảy.
Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức yêu cầu lãnh đạo các địa phương xem lại việc tham dự cuộc họp, mỗi cuộc họp có thời lượng rất ngắn, việc các lãnh đạo không tham dự thể hiện sự thiếu nghiêm túc, cần xem xét lại. Hiện tình hình dịch bệnh hiện nay rất xấu, công tác diệt muỗi, lăng quăng chưa được thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, công tác tiêm vaccine luôn đội sổ so với cả nước về tỷ lệ tiêm chủng thấp, số ca mắc Covid-19 nhập viện tăng,… cần phải thường xuyên cập nhật, phân tích số liệu các khía cạnh để có biện pháp kịp thời.
"Chắc không ai muốn quay trở lại thời điểm tháng 7, 8 năm 2021, mà nguy cơ hiện giờ vẫn còn vì vậy các địa phương cần tăng cường cảnh giác. Chúng ta cực một chút lúc này sẽ đỡ hơn rất nhiều khi dịch bùng ra sẽ rất khổ”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương cần nghiêm túc, tham dự đầy đủ các cuộc họp giao ban phòng chống dịch.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, giai đoạn này hết sức đáng lo khi sắp tới có 4 ngày nghỉ lễ, đến 5/9 là ngày khai giảng năm học mới, học sinh sinh viên tựu trường,… thường sẽ có một đợt “sóng” Covid-19 dội lên.
“Không biết sóng to cỡ nào, nếu ngày hôm nay chúng ta không nỗ lực thì chắc chắn sóng sẽ rất lớn”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức lo ngại; đồng thời mong muốn các đơn vị tập trung, đặc biệt đối với ngành giáo dục trách nhiệm rất lơn khi hơn 1,7 triệu học sinh các lớp từ mầm non đến THPT và 600.000 sinh viên tựu trường thì nguy cơ quay trở lại của dịch Covid-19, sốt xuất huyết là rất lớn.